Trang thông tin điện tử
Huyện Mường Tè

Giới thiệu chung

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ DÂN CƯ
1. Vị trí địa lý:
Mường Tè là huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa, có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 130,292 km. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là: 267.848,05 ha, chiếm 29,5% diện tích của tỉnh Lai Châu, đứng đầu 8 huyện, thành phố của tỉnh về diện tích. Vị trí Tiếp giáp:
  • - Phía Bắc: giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
  • - Phía Nam: giáp huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu
  • - Phía Tây: giáp huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Huyện Mường Tè có 14 đơn vị hành chính gồm: Thị trấn Mường Tè và 13 xã: Bum Nưa, Bum Tở, Vàng San, Can Hồ, Pa Vệ Sủ, Mường Tè, Nậm Khao, Tà Tổng, Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả, Tá Bạ. Trung tâm huyện lỵ đặt tại thị trấn Mường Tè, cách tỉnh Lai Châu hơn 200 Km về phía Tây Bắc theo đường bộ tỉnh lộ 127, quốc lộ 12, quốc lộ 4D; 120km theo đường Pa Tần - Mường Tè. Huyện Mường Tè có tổng chiều dài đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 130,292 km đi qua 6 xã vùng biên (Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả, Tá Bạ, Pa Vệ Sủ) nên Mường Tè có vị trí đặc biệt quan trọng về đảm bảo ANQP và bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia.
2. Dân cư
Huyện Mường Tè có 10 dân tộc chính và một số dân tộc anh em khác cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm trên 92,63% dân số toàn huyện, cụ thể: Dân tộc Kinh 3.722 người (7,92%); dân tộc Thái 10.192 người (21,68%); dân tộc Mông 7.531 người (16,02%); dân tộc Dao 348 người (0,74%); dân tộc Giáy 987 người (2,08%); dân tộc La Hủ 12.161 người (25,87%); Hà Nhì 8.800 người (18,72%); dân tộc Mảng 1.201 người (2,56%); dân tộc Cống 987 người (2,1%); dân tộc Si La 550 người (1,17%); các dân tộc khác 535 người (1,14%) gồm: Mường, Tày, Khơ Mú,…Phần lớn các dân tộc thiểu số trình độ dân trí chưa cao, không đồng đều, đời sống còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ tăng dân số là: 1,56%.
II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
1. Đặc điểm địa hình
Huyện Mường Tè do chịu ảnh hưởng lớn của hoạt động kiến tạo địa chất nên có địa hình rất phức tạp, mức độ chia cắt sâu và ngang rất mạnh bởi các dãy núi cao chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, phổ biến là kiểu địa hình núi cao và núi trung bình xen lẫn thung lũng. Độ cao trung bình từ 900 - 1.500m so với mặt nước biển. Nhiều đỉnh có độ cao trên 2000m: đỉnh Pu Si Lung, thuộc xã Pa Vệ Sủ (3.076m), Pu Tà Tổng (2.109m), mây mù quanh năm. Độ dốc trung bình từ 250 – 300, có nơi lên tới 450.
Nhìn tổng quát huyện Mường Tè được chia thành 2 vùng địa hình khác nhau:
* Vùng núi cao: Gồm các xã: Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Bum Tở, Tá Bạ, Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả và Tà Tổng với độ cao trung bình từ 1.000 – 2.000m so với mặt nước biển thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc, phát triển kinh tế rừng, dược liệu quý dưới tán rừng nguyên sinh và trồng các loại cây vùng ôn đới.
* Vùng đồi núi thấp: Gồm các xã Bum Nưa, Vàng San, thị trấn Mường Tè, Nậm Khao, Mường Tè, Can Hồ với độ cao trung bình từ 300 – 1.000m, thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp như: quế, mắc ca, các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và nuôi trồng thủy sản.
2. Đặc điểm khí hậu Khí hậu
Mường Tè mang đặc điểm của vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc, ít chịu ảnh hưởng của bão, thời tiết quanh năm chia thành 2 mùa rõ rệt: Mùa đông lạnh, mưa ít, mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều.
Chế độ mưa: Hàng năm mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc vào tháng 10 trùng với kỳ thịnh hành của gió Tây Nam: vùng cao lượng mưa lên tới 3000mm/năm, vùng núi trung bình có biến động từ 2000 - 2500mm. Vùng núi thấp và thung lũng từ 1500 - 1800mm. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa ít (316,4mm), trong thời gian này thường có sương mù. Lượng mưa trung bình năm  2.531mm, cao nhất tập trung vào tháng 7 chiếm 87,5% lượng mưa cả năm.
Chế độ nhiệt: Do chịu ảnh hưởng của địa hình nên chế độ nhiệt cũng phân hóa theo vùng, trong đó: Vùng núi cao (Ka Lăng, Tà Tổng, Thu Lũm, Tá Bạ, Mù Cả, Pa Vệ Sủ) Nhiệt độ cao trung bình 150C; Vùng núi cao trung bình (Pa Ủ, Nậm Khao, Bum Tở, Mường Tè) nhiệt độ trung bình đạt 200C; Vùng núi thấp nhiệt độ đạt 230C. Nhiệt độ trung bình toàn huyện 22,40C.
Chế độ gió: Từ tháng 3 - tháng 7 thường có gió mùa Tây Nam, gió mùa Đông Nam thổi mạnh từ tháng 4 đến tháng 10; gió mùa Đông Bắc xuất hiện tư tháng 11 đến tháng 3 năm sau.
3. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên
* Tài Nguyên nước:
Huyện Mường Tè có hệ thống sông, suối khá dày đặc, trong huyện có 1 sông chính là sông Đà, ngoài ra còn có 4 con suối có trữ lượng nước lớn: Nậm Ngà, Nậm Na, Nậm Củm, Nậm Sì Lường. Tuy nhiên, vào mùa khô sông suối thường khô cạn, thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất; mùa mưa có lũ lụt, lũ quét, sạt lở gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản, gây xói mòn mạnh, khả năng sử dụng nước vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Mường Tè là khu vực đầu nguồn xung yếu và cực kỳ quan trọng của Sông Đà, con sông có giá trị lớn về thủy điện và cung cấp nước cho vùng đồng bằng Bắc bộ, nên Mường Tè có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế của đất nước. Với địa hình dốc, cùng với hệ thống sông suối khá dày đặc đã tạo ra cho Mường Tè tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo, như: thủy điện, điện gió, điện năng lượng, đã và đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
* Tài nguyên Khoáng sản: Trên địa bàn có nhiều loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao, như: Vàng, quặng sắt và nhiều khoáng sản quý hiếm với trữ lượng lớn chưa được đầu tư khai thác.
* Tài nguyên rừng: Huyện Mường Tè có tổng diện tích rừng khá lớn. Năm 2020 diện tích rừng của huyện có khoảng 175.768 ha, phân bố ở tất cả các xã trong huyện. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện Mường Tè, đạt 65,06% lớn nhất của tỉnh. Tổng diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2020: 172.348,74 ha. Rừng Mường Tè có hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, với nhiều loại gỗ quý như: giổi, lát, gù hương,, nhiều sản vật rừng nổi tiếng như: mật ong rừng, tam thất, nấm hương, thảo quả....; các cánh rừng của huyện có thảm thực vật giàu tính sinh học, một số cánh rừng phân bố ở độ cao trên 1.500m, phát hiện một số cây dược liệu quý, như: Sâm Lai Châu, Chè cổ Ka Lăng, Chè rừng (cây Sói rừng), Bảy lá một hoa,…. phát triển dưới tán rừng nguyên sinh. Việc quan tâm bảo vệ và phát triển rừng đã góp phần đem lại thu nhập cao, bền vững cho người dân, phát triển kinh tế của huyện, đồng thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai bão lũ.
* Tài nguyên Văn hóa - Du lịch: Có thể thấy, điều kiện khí hậu, thủy văn, sông ngòi đã tạo cho huyện Mường Tè những thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở một số xã vùng cao có khí hậu khá mát mẻ gần như quanh năm. Mường Tè có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, hang động, núi đá tự nhiên nổi tiếng: Hòn đá trắng linh thiêng gắn liền với đời sống tâm linh của người dân tộc Hà Nhì, Ruộng bậc thang, suối nước nóng Nậm Ngoa ở bản Pắc Ma, Nhà lưu niệm cố luật sư Nguyễn Hữu thọ, di tích 2 Đồn Pháp ở bản Nậm Củm, xã Mường Tè và bản Bum, xã Bum nưa. Huyện Mường Tè gần Nhà máy thủy điện Lai Châu thuộc huyện Nậm Nhùn, song chiếm gần như trọn lòng hồ của thủy điện,…đây là tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển những tour du lịch danh lam thắng cảnh lòng hồ sông Đà, kết hợp với nghỉ dưỡng và thưởng thức văn hóa dân tộc vùng biên cương.
Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc sinh sống như dân tộc Thái, Hà Nhì, La Hủ, Si La,…với bản sắc văn hoá riêng, có những lời ca, tiếng hát, say sưa trong điệu xòe của người Thái, Hà Nhì,... và kiến trúc xây dựng nhà sàn mang đậm sắc thái.
IMG 20691
Màn bắn pháo hoa trong lễ hội Việt - Lào - Trung
Mường Tè còn là nơi nổi tiểng nhiều món ăn ngon được làm cầu kỳ, với nhiều gia vị đặc trưng của người Thái, Hà Nhì, Mông như: rêu đá cộng với lá cây rừng, món cá nướng “Pỉnh tộp”, lạp xưởng, gỏi cá đượm vị cay của ớt, thơm nồng của “má khén”, vị chua của nước măng chua, quả me rừng,… Khi thưởng thức các món ăn dân dã nơi đây sẽ không thể nào quên được tình cảm mến khách và sự tài hoa, khéo léo của phụ nữ vùng Tây bắc. Phụ nữ Tây bắc luôn quan niệm, người đàn ông là trụ cột gia đình, gánh vác phần việc nặng nhọc, nên họ thường nấu những món ăn ngon, bồi bổ sức khỏe bằng tình yêu thương, sự biết ơn với những người đàn ông trong gia đình.
 
TÌNH HÌNH GIẢI QUYẾT HỒ SƠ
Đến tháng 11/2024
UBND huyện Mường Tè đã giải quyết
98.95%
hồ sơ đúng hạn.
Mức độ 2: 208
Mức độ 3: 25
Mức độ 4: 59
Đã tiếp nhận: 372
Đã giải quyết: 284
Quá hạn: 3 - 1.05%
Trước & đúng hạn: 282 - 98.95%
(tự động cập nhật vào lúc
01:25:57, 21/11/2024)
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm63
  • Hôm nay5,282
  • Tháng hiện tại125,295
  • Tổng lượt truy cập11,365,182
Bản đồ hành chính
Bản đồ hành chính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down