Dân tộc Thái ở bản Pắc Pạ chiếm gần 90%, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của bà con được thể hiện qua tiếng nói, trang phục, nhà ở, ẩm thực, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian… Đội văn nghệ của bản thường xuyên tập luyện, biểu diễn các tiết mục mang tính truyền thống như: múa khăn piêu, múa quạt, chơi đàn tính tẩu, múa xòe vào các ngày lễ hội, tết hay sự kiện chính trị của địa phương, đất nước.
Khi múa, hát, mọi người thường diện những bộ trang phục dân tộc rất độc đáo, nam thường mặc quần áo thổ cẩm màu chàm xanh hoặc đen, phụ nữ mặc áo cóm bó sát với hàng khuy bạc, váy dài đen quấn suông hoặc được thêu viền hoa văn ở gấu, đặc biệt, chiếc khăn piêu thêu hoa văn bằng nhiều loại chỉ màu rất sặc sỡ và đẹp mắt.
Chị Lù Thị Nhung, người dân trong bản chia sẻ: Tôi tự hào mình là dân tộc Thái. Tôi tham gia vào đội văn nghệ bản từ lâu, chúng tôi thường xuyên luyện tập, biểu diễn các bài múa, hát vào những dịp lễ, tết, thu hút đông đảo nhân dân đến xem. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình tham gia giữ gìn và phát huy, lan tỏa sâu rộng những nét đẹp văn hóa của dân tộc”.
Nói về việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái, anh Lường Văn Xuân - Trưởng bản cho biết: “Như các dân tộc khác, văn hoá dân tộc Thái rất phong phú và đa dạng. Bản tăng cường tuyên truyền về vai trò, giá trị của văn hóa dân tộc; vận động những người am hiểu về phong tục tập quán lâu đời của người Thái để giáo dục con cháu, dạy tiếng Thái, hướng dẫn chơi nhạc cụ truyền thống, dệt may thổ cẩm, đan lát, duy trì các trò chơi dân gian. Trong ngày lễ, tết, mặc quần áo dân tộc, tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các địa phương với nhau, tạo sân chơi bổ ích, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư”.
Với sự chung tay góp sức của nhân dân bản Pắc Pạ, tin rằng, những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái nơi đây sẽ được giữ gìn và lưu truyền qua các thế hệ.
Tác giả: Gió Pư