Thực hiện chính sách tái định cư thủy điện Lai Châu năm 2015 và một số chính sách đặc thù của Đảng và Nhà nước, bản Sì Thâu Chải và Seo Hai (xã Can Hồ) được hỗ trợ di chuyển đến nơi ở mới gần tỉnh lộ 127, giao thông đi lại thuận tiện hơn bản cũ. Khi chuyển đến nơi ở mới, bà con được nhà nước hỗ trợ cây trồng, vật nuôi như: xoài, quế, sa nhân tím, bò. Đồng thời, đầu tư xây dựng nhà văn hoá, đường nội đồng, nội bản, công trình thuỷ lợi đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu cho cây trồng, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu của người dân. Từ đó, người dân có điều kiện vươn lêm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Theo lãnh đạo xã Can Hồ, từ năm 2018 đến nay, người dân 2 bản Sì Thâu Chải và Seo Hai được hỗ trợ gần 300 con bò giống, trồng trên 90ha sa nhân tím và nhiều ha cây ăn quả như: xoài, bưởi da xanh; đầu tư, sửa chữa nhà văn hoá, đường giao thông, công trình thuỷ lợi...
Những năm trước, nhiều người Si La trồng trọt và chăn nuôi theo tập quán canh tác lạc hậu, vật nuôi thả rông nên hay bị bệnh, mất mát nhiều, chủ yếu phục vụ gia đình. Được cán bộ xã hướng dẫn, tuyên truyền, các hộ đầu tư phát triển kinh tế bài bản hơn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đối với chăn nuôi, xây dựng chuồng trại kiên cố, thoáng mát nuôi nhốt gia súc, tăng cường bổ sung thức ăn. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch bệnh, hằng ngày vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ. Nhờ đó, đàn vật nuôi phát triển, giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Pờ Chà Dú (Sì Thâu Chải) cho biết: “Để nâng cao thu nhập, gia đình tôi xây dựng chuồng trại kiên cố, thoáng mát đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chúng tôi thường xuyên được cán bộ xã trực tiếp xuống bản tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc vật nuôi khoa học, thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh, vệ sinh chuồng sạch sẽ. Nhờ đó, đàn vật nuôi của gia đình tôi sinh trưởng, đến nay có hơn 20 con trâu, bò, mỗi năm được bán từ 5-6 con với giá trên 20 triệu đồng. Ngoài ra, chăn nuôi con dê, lợn và con gia cầm ngoài phục vụ gia đình còn cung cấp cho người dân địa phương, đem lại thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Cùng với đó, gia đình tôi chuyển đổi đất trồng ngô mang lại hiệu quả thấp sang trồng 2ha quế”.
Bản Seo Hai hiện có 84 hộ, với hơn 340 khẩu. Trước đây, cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhà ở lụp xụp, nấp mình dưới tán rừng già ở bên kia sông Đà. Địa hình đồi núi bị chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa bởi vậy bà con ở đây gần như sống biệt lập với xã hội bên ngoài. Được tuyên tuyên cùng với tranh thủ hỗ trợ từ các chương trình, đề án của Đảng, Nhà nước, bản tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; trang bị máy móc để thay thế sức cày kéo của gia súc, tăng năng suất lao động; sử dụng giống cây trồng chất lượng vào sản xuất. Nhờ đó, đời sống của bà con khấm khá hơn. Hàng năm, nông dân xã gieo trồng 35ha lúa, ngô và duy trì chăm sóc 30ha cây quế, mắc ca. Đồng thời, chú trọng phát triển đàn gia súc, gia cầm, đa dạng cơ cấu vật nuôi. Hiện, xã có gần 500 con gia súc và 1.500 con gia cầm các loại. Đồng chí Pờ Chà Nguyên – Bí thư Chi bộ bản Seo Hai cho biết: “Ngày xưa gia đình tôi cũng như các hộ trong bản vất vả lắm, không đủ ăn, nhà ở tạm bợ. giờ, mọi người có nhà ở kiên cố, có ruộng nương sản xuất, bà con còn được gần trạm y tế, con em được đi học gần nhà... Đến nay, đường nội bản đã được bê tông hóa, 100% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch; trên 90% các hộ dân có tivi, xe máy... Chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều”.
Anh Lỳ Gạ Xá – Phó Chủ tịch UBND xã Can Hồ cho biết: “Với tập quán canh tác lạc hậu, trình độ dân trí thấp bởi vậy cuộc sống của người dân xã Can Hồ nói chung, đồng bào Si La nói riêng nhiều năm trước gặp nhiều khó khăn, vất vả. Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành, chính quyền xã Can Hồ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nhà khang trang, kiên cố, hướng dẫn phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Si La ngày càng được nâng lên. Hiện, thu nhập của người Si La đạt hơn 30 triệu đồng, các hộ đã có nhà cửa khang trang, giao thông đi lại thuận tiện hơn, trẻ em được đến lớp đầy đủ đúng độ tuổi".
Từ các chính sách hỗ trợ, đồng bào Si La xã Can Hồ đã thay đổi nhận thức, tích cực tham gia lao động sản xuất, góp sức cùng các dân tộc trên địa bàn đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh.
Tác giả: Gió Pư