Huyện Mường Tè có điều kiện khí hậu, thủy văn, sông ngòi đã tạo cho huyện Mường Tè những thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở một số xã vùng cao có khí hậu khá mát mẻ gần như quanh năm như các xã Mù Cả, Tà Tổng, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ.
Mường Tè có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, hang động, suối khoáng, núi đá tự nhiên nổi tiếng: Hòn đá trắng, Ruộng bậc thang, Nhà lưu niệm cố luật sư Nguyễn Hữu thọ, di tích 2 đồn Pháp ở bản Nậm Củm - xã Mường Tè và bản Bum - xã Bum nưa. Huyện Mường Tè gần Nhà máy thủy điện Lai Châu thuộc huyện Nậm Nhùn, song chiếm gần như trọn lòng hồ của thủy điện…đây là những tiềm năng để phát triển những tour du lịch danh lam thắng cảnh lòng hồ sông Đà, kết hợp với nghỉ dưỡng.
Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc sinh sống như dân tộc Thái, Hà Nhì, La Hủ, Si La …với bản sắc văn hoá riêng, có những lời ca, tiếng hát, say sưa trong điệu xòe của người Thái, Hà Nhi.... và kiến trúc xây dựng nhà sàn mang đậm sắc thái.
Mường Tè còn là nơi nổi tiểng nhiều món ăn ngon được làm cầu kỳ, công phu của người Thái, Hà Nhì, Mông như: rêu đá cộng với lá cây rừng, món cá nướng “Pỉnh tộp”, lạp thịt, gỏi cá đượm vị cay của ớt, thơm nồng của “mắc khén”, hạt tiêu rừng, xả, gừng vị chua của nước măng chua , quả me… sẽ không thể quên sự tài hoa, khéo léo của phụ nữ của vùng Tây bắc và sẽ thấy trong mỗi món ngon còn thấm đậm chữ tình. Phụ nữ Tây bắc luôn quan niệm, người đàn ông là trụ cột gia đình, gánh vác phần việc nặng nhọc bằng tình yêu thương họ sẽ nấu những món ăn ngon, bồi bổ sức khỏe, bù đắp lại công sức lao động của cánh đàn ông. Do đó các món ăn của người tây bắc thường rất cầu kỳ, nhiều gia vị kích thích vị giác.
Tác giả: Tống Nức