Xác định thực hiện công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, do vậy, hàng năm, Đảng ủy xã tập trung xây dựng nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Đặc biệt, Đảng bộ xã chủ động chỉ đạo các ban, nghành đoàn thể xã đẩy mạnh tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, văn bản của Trung ương, của tỉnh, của huyện và xã đến cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân. Từ đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự vươn đẩy lùi đói, nghèo bằng lao động, bằng phát triển sản xuất trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của đội ngũ đảng viên, già làng, trưởng bản trong các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, nhất là phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Để công tác giảm nghèo đạt kết quả, ngoài khuyến khích người dân khai hoang mở rộng diện tích lúa, UBND xã Mù Cả đã tập trung lãnh đạo Nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng trang trại, gia trại. Hiện nay, tổng đàn gia súc của xã là 6.776 con đạt 94,7%, kế hoạch, đàn gia cầm 5.300 con đạt 100% kế hoạch giao. Bên cạnh đó, xã Mù Cả cũng đã thực hiện hiệu quả công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hiện nay xã Mù Cả đạt được 14/19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới. Trong những năm qua chính quyền xã Mù Cả vận động nhân dân vay vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện đầu tư phát triển kinh tế, đến nay tổng dư nợ trên địa bàn xã đạt trên 22 tỷ đồng với 409 hộ vay.
Ông Lỳ Go Xè – Phó Chủ tịch UBND xã Mù Cả cho biết: " Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn xã, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chỉ chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân, các chính sách hỗ trợ chỉ mang tính thời điểm chứ không trông chờ, ỷ lại mãi được. Thời gian qua, xã còn tích cực vận động các hội viên nông dân có kinh nghiệm và điều kiện kinh tế khá giúp đỡ cho các hộ nghèo thức hiện các mô hình phát triển kinh tế".
Mô hình nuôi ong lấy mật bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân xã Mù Cả
Ngoài ra, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã còn tập trung nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, còn nhiều chính sách hỗ trợ khác như: Hỗ trợ giống cây trồng, xây dựng các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt theo Chương trình 30a/CP, 135/CP. Các chương trình vốn vay dành cho hộ nghèo, tạo việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giúp bà con có vốn, nhanh chóng tiếp cận với thiết bị máy móc hiện đại phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí đầu tư, thời gian lao động. Năng suất, sản lượng trong trồng trọt và chăn nuôi ngày càng tăng giúp nhiều hộ thoát khỏi đói nghèo, đời sống vật chất, tinh thần từng bước nâng cao hơn. Hiện nay, trên địa bàn xã đã triển khai được 01 mô hình hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi gia súc và 01 mô hình hỗ trợ phát triển nuôi ong lấy mật theo Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND, ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu về chính sách phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung giai đoạn 2021-2025. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm theo từng năm cụ thể: năm 2024 hộ nghèo 464 hộ, chiếm 57,43%; hộ cận nghèo 40 hộ, chiếm 4,95%.
Một góc bản Xi Nế - xã Mù Cả
Từ kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2020-2025, xã Mù Cả phấn đấu mỗi năm giảm từ 5% hộ nghèo trở lên. Để đạt mục tiêu này, cấp ủy đảng, chính quyền xã tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp đồng bào phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo.
Tác giả: Vi Thành