Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và là nhiệm vụ của mỗi cán bộ đảng viên để nâng cao ý thức giữ gìn, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.
Hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Mường Tè đã nghiêm túc triển khai tới toàn thể cán bộ công nhân viên, giáo viên và học sinh trong toàn trường, và đã đạt nhiều thành tích, với nhiều tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhà trường đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trước Đảng và nhân dân, xứng đáng là cơ sở giáo dục tin cậy, là cái nôi đào tạo một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ cho huyện nhà. Từ nơi đây, dưới sự yêu thương dìu dắt của các thầy cô biết bao thế hệ học trò đã được chắp cánh ước mơ để rồi lớn lên từng ngày và trở thành những cán bộ có tâm, có tài góp phần xây dựng và phát triển quê hương Mường Tè nói riêng và Lai Châu nói chung ngày càng giàu đẹp.
Nổi bật lên trong cuộc vận động này là cô giáo Đinh Thị Hải - vốn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Định, trong một gia đình hiếu học. Gia đình cô có năm chị em gái và một người em trai đều được gia đình cho ăn học đầy đủ. Người mẹ là giáo viên đã truyền ngọn lửa đam mê ngành sư phạm cho năm cô con gái, và cả năm cô gái đã trở thành những người giáo viên vừa hồng, vừa chuyên góp phần không nhỏ vào việc trồng người cho quê hương đất nước. Còn người em trai đã thi đỗ trường đại học an ninh nhân nhân và trở thành chiến sĩ công an bảo vệ tổ quốc. Cũng vì một lý do rất tình cờ vào năm 1998 sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm Nam Định cô đã theo chồng lên công tác tại huyện Mường Tè.
Lúc đó huyện Mường Tè còn rất heo hút, đi lại khó khăn, dân cư lại thưa thớt. Nhưng vượt qua tất cả, cô đã dành trọn tình thương yêu cho học sinh trong trường.
Với mức lương khởi điểm hơn 400.000 đ/1 tháng, chi tiêu cho gia đình cũng là cả một vấn đề, nhưng hễ học sinh ốm, đau cô lại bỏ tiền túi của mình để mua thuốc, mua cháo, sữa, bánh… cho các em, chỉ với mong muốn các em mau khỏe để lên lớp.
Ngày đó trường còn tuyển học sinh từ lớp ba các em mới chỉ có 8 tuổi. Những đứa trẻ còn quá non nớt với cuộc sống tự lập. Vì thế người giáo viên không chỉ có việc giảng dạy mà còn làm cả những công việc của một người chị, người mẹ. Khi đó cô Hải thường xuyên ở bên cạnh giúp các em từ việc tắm, giặt quần áo, cắt tóc, chải đầu, chỉ bảo các em từ việc quét phòng, cách gấp quần áo, chăn màn, cách ăn, ở làm sao cho gọn gàng, sạch sẽ, cô luôn bên cạnh bảo ban, dạy dỗ các em với tình cảm yêu thương vô bờ bến.
Để tiện cho công việc, gia đình cô ở trong tập thể của nhà trường, nên vào các buổi tối tự học cô thường lên lớp để hướng dẫn các em học bài, sau giờ học, cô thường lên phòng các em học sinh trò truyện, động viên để các em học sinh, đặc biệt là học sinh mới vơi đi nỗi nhớ nhà. Với cô, học sinh như những đứa con thân yêu luôn cần sự bảo vệ và che chở, cho nên nhiều khi vừa bưng bát cơm lên mà nghe nói học sinh có chuyện là cô bỏ cả cơm chạy ngay đến với học sinh, cô dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc học sinh hơn cả con của mình. Vì thế tiếng gọi “mẹ” mà học sinh dành cho cô cũng xuất phát từ trái tim, từ sự yêu quý, biết ơn đối với cô.
Một tính cách nổi bật ở cô giáo Đinh Thị Hải là ý chí luôn biết khắc phục khó khăn, nên dù ở vai trò, nhiệm vụ nào: là giáo viên giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm, quản trú, thủ quỹ… cô cũng luôn hoàn thành bằng cả cái tâm và lòng nhiệt huyết. Hơn 20 năm công tác, cô Hải đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo các loại tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Trong công tác cô luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học của ngành và ứng dụng nhạy bén những thành quả từ những năm học trước để xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoạt động cụ thể. Tham mưu cùng Ban giám hiệu nhà trường, các bộ phận chức năng, các ban ngành, đoàn thể cũng như đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp học để làm nên sự thành công của hoạt động dạy và học cũng như hoạt động phong trào trong nhà trường. Đặc biệt, cô luôn chú ý giáo dục kỹ năng sống, để giáo dục đạo đức, giúp các em có ý thức hơn trong học tập và cuộc sống sau này. Bên cạnh đó, cô còn hòa đồng, lắng nghe góp ý từ các đồng nghiệp, mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến thiết thực, phát động phong trào, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh. Đặc biệt, cô phát động việc học tập và làm theo lời Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và sửa đổi lề lối làm việc, không chạy theo bệnh thành tích, học thật, thi thật, đánh giá học sinh công bằng, khách quan. Chính sự nhiệt tình, tận tâm, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia kinh nghiệm nên cô được đồng nghiệp yêu thương, học sinh quý mến.
Dưới sự bảo ban, dạy dỗ của cô nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành và trở thành những cán bộ tiêu biểu như các đồng chí Pờ Pó Xá hiện đang công tác tại Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu; Lỳ Xè Po - Phó phòng TB-XH huyện Mường Tè; Lý Phùy Chóng - công an huyện Mường Tè; Pờ Vũ Thanh Bình - giáo viên trường THPT Mường Tè; Trương Mỹ Hoa- Hội trưởng Hội phụ nữ xã Chung Chải huyện Mường Nhé; Pờ Mỳ Lé - Phó chủ tịch HĐND xã Xín Thầu huyện Mường Nhé; Lỳ Ha Pơ - cán bộ trường PTDTNT Mường Tè…Mỗi khi gặp lại cô, tiếng đầu tiên mà các em học sinh đó gọi là "mẹ Hải" - một tiếng gọi thân thương, xuất phát từ tấm lòng trân trọng, yêu thương của các em.
Bên cạnh công tác giảng dạy, cô Đinh Thị Hải còn luôn tích cực đi đầu để tham gia vào các phong trào thi đua và các cuộc vận động của ngành như: “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; “Hai không”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Kết quả là, nhiều năm liền, cô giáo Đinh Thị Hải đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, công đoàn viên xuất sắc, chuyên đề" giỏi việc trường, đảm việc nhà"... Với những nỗ lực và cống hiến cho tập thể nhà trường, năm 2011 cô Đinh Thị Hải đã được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng nhà trường với sự tín nhiệm của 100% cán bộ giáo viên, công nhân viên trong trường. Năm 2012 cô lại kiêm chức Chủ tịch Công đoàn nhà trường.
Sau khi làm lãnh đạo, tác phong làm việc của cô vẫn không hề thay đổi, vẫn là sự đoàn kết, gắn bó với mọi người, sự cần mẫn trong công việc và sẵn sàng làm thay, giúp đỡ đồng nghiệp, cấp dưới khi đồng nghiệp gặp khó khăn trong công việc, trong cuộc sống. Cô luôn là người đi đầu trong việc quy tụ, đoàn kết cán bộ, công nhân viên, giáo viên và học sinh trong trường thành một tập thể vững mạnh, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau. Với tất cả đồng nghiệp và học sinh cô luôn là người chị, người bạn, người mẹ sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn. Cô luôn đối xử với mọi người bằng cái tâm của một nhà giáo yêu nghề.
Không chỉ giỏi việc trường, cô giáo Đinh Thị Hải còn là một người vợ đảm đang, một người mẹ hết lòng vì con. Công việc trường, lớp bận rộn đã ngốn nhiều thời gian công sức của cô. Dù vậy, cô vẫn luôn giành thời gian chăm sóc cho gia đình, chồng con rất chu đáo. Cuộc sống vật chất tuy còn nhiều khó khăn, cô vẫn cùng chồng nuôi dạy con ăn học đến nơi đến chốn. Đặc biệt năm 2009 chồng cô đã không may gặp phải căn bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Cô con gái duy nhất của cô và chồng cũng được đưa về xuôi để tiện cho việc học tập. Gia đình bên ngoại đã liên hệ được một ngôi trường cho cô chuyển về. Những tưởng rằng cô sẽ rời bỏ mảnh đất Mường Tè chuyển về xuôi công tác. Nhưng không, cô vẫn cống hiến cho mảnh đất khó khăn này, một mình vượt qua nỗi đau, vượt qua sự cô đơn để tiếp tục dạy dỗ học sinh với tình yêu lớn hơn, bao dung hơn.
Mất bố sớm, lại phải sống xa mẹ nhưng cháu Trần Ngọc Bích - con gái cô, đã được mẹ dạy cho đức tính tự lập từ nhỏ trở thành một cô gái kiên nghị, mạnh mẽ, rắn rỏi nhưng rất hòa đồng và bao dung. Cháu đã thi đỗ trường cao đẳng y Hà Nội và đã trở thành một cô điều dưỡng tận tụy với nghề, luôn hết lòng chăm sóc bệnh nhân. Sự thành đạt của con càng trở thành động lực giúp cô Hải vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và trong công việc. Cô càng yêu quý học sinh nhiều hơn, càng muốn cống hiến nhiều hơn. Hiện nay cô luôn là người cán bộ quản lý gương mẫu trong việc học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cô đã tham gia và hoàn thành việc học lớp đại học quản lí, rồi lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
Có thể nói, với lòng tận tâm trong sự nghiệp trồng người cô giáo Đinh Thị Hải đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của huyện Mường Tè, xứng đáng là một nhà giáo tiêu biểu, mẫu mực, một tấm gương điển hình trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", để mọi người học tập và noi theo. Ở vị trí của một giáo viên, với tình thương yêu, sự chia sẻ của đồng nghiệp, tình yêu của học trò, với lòng yêu nghề, mến trẻ vốn có và đặc biệt là với những gì học được từ tấm gương của chị Đinh Thị Hải, Bản thân tôi luôn tự nhủ cần cố gắng hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa để trở thành một nhà giáo mẫu mực, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người và thực hiện tốt việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tác giả: Trần Thị Bảy