Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu huyện Mường Tè
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của tỉnh Lai Châu nói riêng trong công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả về đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; đặc biệt là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Việc tổ chức Hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 hôm nay là rất cần thiết, tạo điều kiện cho đại biểu nắm bắt được quy định pháp luật thuộc lĩnh vực đất đai, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.
Để Hội nghị đạt kết quả cao, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung lắng nghe, tiếp thu đầy đủ nội dung do đồng chí lãnh đạo Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường truyền đạt. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, nghiên cứu sâu và tích cực phát biểu về các vấn đề còn hạn chế, vướng mắc hoặc chưa rõ; những vướng mắc cần giải quyết về việc kế thừa Luật Đất đai năm 2013 và những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 để Ban tổ chức Hội nghị cập nhật và giải đáp cũng như định hướng tham gia, đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời đồng chí yêu cầu, sau Hội nghị này, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật về đất đai, bám sát vào nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân bằng các hình thức phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về lĩnh vực đất đai, đặc biệt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạo thuận lợi cho người sử dụng đất và trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024. Theo đó, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024. Luật Đất đai 2024 đã trải qua 9 lần sửa đổi, bổ sung, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai.
Luật Đất đai năm 2024 (Luật số 31/2024/QH15) gồm 16 chương, 260 điều, tăng thêm 02 chương so với Luật Đất đai năm 2013 (bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương), trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều, bỏ 30 điều (do gộp 13 điều; bỏ 13 điều và tách 4 điều).
Luật Đất đai năm 2024 đã chuyển các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đặt ngay sau chương quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai và nằm trước các quy định về quản lý hành chính Nhà nước về đất đai thể hiện thể hiện sự tôn trọng đối với quyền lợi của người dân, coi Nhân dân là gốc rễ, là nền tảng, là trung tâm của chính sách. Đồng thời, các chương tiếp theo quy định về các nội dung quản lý nhà nước về đất đai được bố cục theo trình tự các bước thực hiện trong thực tế để đảm bảo tính logic, khoa học, thuận tiện trong tra cứu.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, trao đổi những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành.
Tác giả: Vi Thành