“Cuối tháng 6, bản mình tổ chức Tết ngô, ngày tết truyền thống của bà con người Cống. Tết ngô vui, có nhiều nghi lễ độc đáo, cậu sẽ cảm nhận được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cậu đến vui tết với gia đình mình nhé!…” - đó là lời mời của anh Lý Văn Hiếu (dân tộc Cống, bản Nậm Khao, xã Nậm Khao) dành cho tôi.
Qua giới thiệu và lời mời chân tình của anh Hiếu là động lực để tôi đến bản Nậm Khao chung vui Tết ngô. Câu chuyện với ông Lý Văn Thành (bố anh Hiếu), tôi được biết, vào những ngày cuối năm (theo cách tính của dân tộc Cống), tức khoảng cuối tháng 5 âm lịch hằng năm, thành viên trong gia đình họp lại phân công nhiệm vụ chuẩn bị tết theo phong tục. Với người Cống, ngày tết bắt đầu từ đầu tháng 6 âm lịch (khi ngô bước vào mùa thu hoạch). Để có một cái tết đầm ấm, vui vẻ, đúng bản sắc dân tộc, các gia đình người Cống chú trọng đến món ăn và mâm cỗ cúng tổ tiên, thần linh trong ngày cuối năm và đầu năm mới. Chính vì vậy, việc chuẩn bị được diễn ra theo sự phân công của người đàn ông làm chủ gia đình. Vào những ngày giáp tết, người chủ gia đình triệu tập con, cháu phân công các phần việc. Những người phụ nữ khéo léo, tinh tế được giao nhiệm vụ lên nương tìm chọn rau bí, quả dưa và những bắp ngô non đầy hạt đem về làm mâm cỗ cúng. Việc lên rừng kiếm mộc nhĩ, nấm trắng mọc trên cây mày xa được chặt hạ khi làm nương (theo tiếng gọi của người Cống) được giao cho những người đàn ông trụ cột trong gia đình; các cháu sắp đến tuổi trưởng thành đi bắt cua đá…
Theo lịch của người Cống, ngày bắt đầu của Tết ngô năm nay được tính vào 24/6. Khi tiếng gà gáy sáng cất lên, các hộ dân trong bản Nậm Khao đã sáng đèn để chuẩn bị cho Tết ngô. Các thành viên trong gia đình anh Hiếu dậy từ rất sớm, đàn ông tập trung mổ lợn, phụ nữ lo chế biến món ăn từ ngô. Chị Chang Thị Thủy (vợ anh Hiếu) chia sẻ: Với người Cống, Tết ngô không thể thiếu những món ăn được làm từ ngô như: bánh, cơm, canh. Ngày hôm trước, chúng tôi lên nương chọn những bắp ngô non, ngon nhất về chế biến món ăn. Bánh ngô - món chính của Tết ngô được làm từ ngô nếp nạo nhỏ trộn đều với đường, sau đó lấy lá chít gói lại và đem đồ bằng chõ, khoảng 1 giờ là chín. Cơm ngô là ngô non nạo nhỏ trộn với gạo nếp và gói trong lá dong, đem đồ trong chõ xôi. Cơm chín có mùi thơm của ngô nếp non hòa quyện hương gạo nếp tạo nên một mùi thơm quyến rũ. Đây là những món ăn truyền thống mang ý nghĩa biết ơn sâu sắc đến thần linh, tổ tiên.
Khi các thành viên trong gia đình chuẩn bị xong, ông Thành bày lễ vật lên bàn thờ chuẩn bị lễ cúng. Lễ vật trong mâm cỗ cúng tổ tiên vào Tết ngô của người Cống thường có thịt lợn (vạ sà) gồm thủ, đuôi, gan, ruột non; thịt gà (gà sà); nấm rừng (mung xi), rau bí luộc (pa khạm chá công); cua đá (làng tò) và không thể thiếu bánh ngô, xôi ngô. Trong quan niệm của người Cống, con cua đá có ý nghĩa tâm linh to lớn. Trên mâm cỗ cúng phải có 12 con cua đá, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và 12 con giáp. Với họ, cua đá là con vật bảo vệ mùa màng. Khi hạt ngô gieo xuống đất, mọc mầm, chim chóc, chuột, sóc đến phá hoại, cua sẽ dùng hai càng xua đuổi. Lễ cúng Tết ngô nhằm trình báo với thần linh, tổ tiên những việc mà cả gia đình đã làm được trong năm, cảm tạ sự phù hộ, độ trì của tổ tiên và thần linh cho con cháu khỏe mạnh, chăn nuôi, sản xuất gặp nhiều thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thóc, ngô đầy nhà. Không những vậy, qua mâm cỗ ấy, thể hiện rõ hơn về cách nghĩ của người Cống trong quan niệm luân hồi, tâm linh. Tuỳ vào điều kiện từng gia đình, mâm cỗ có thể nhiều hay ít món. Đây là mâm cúng đầu năm mới, tất cả mọi người trong gia đình đều phải tham gia.
Sau lễ cúng, các lễ vật được đem ra để cả nhà cùng thưởng thức, chúc cho một năm mới tốt lành, các cháu được bố mẹ, ông bà mừng tuổi và cho một quả dưa, một con cua đá, một đùi gà cho mang đi chơi ngày tết. Sau bữa cơm thân mật của gia đình, tôi được anh Hiếu đưa đi tham gia phần Hội của Tết ngô. Anh Hiếu chia sẻ: “Tết ngô năm nay vui hơn mọi năm vì UBND xã Nậm Khao phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức Ngày hội giao lưu văn hóa - thể thao các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ cụm phía Bắc huyện Mường Tè. Hơn 100 diễn viên, vận động viên đến từ các xã: Mường Tè, Nậm Khao, Pa Ủ, Thu Lũm, Tá Bạ của huyện tham gia”. Tôi được hòa mình vào không khí lễ hội sôi động và đậm đà bản sắc các dân tộc với những tiết mục ca, múa, nhạc dàn dựng công phu dựa trên nền nhạc truyền thống và thực tế lao động sản xuất hàng ngày của bà con. Các hoạt động thể thao với những môn thi truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tù lu... diễn ra sôi nổi, kịch tính với tinh thần giao lưu, học hỏi.
Tạm biệt Nậm Khao, tạm biệt không khí sôi động của Ngày hội giao lưu văn hóa - thể thao các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ cụm phía Bắc huyện Mường Tè, những nghi lễ truyền thống cùng các hoạt động văn nghệ, thể thao đậm nét văn hóa dân tộc trong Tết ngô của người Cống nơi đây đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Tôi thầm hiểu, người Cống ở Nậm Khao đã có những hành động thiết thực để bảo tồn, lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.
Tác giả: Hà Dũng