Ăn Tết vào ngày Thìn
Mặc dù cũng ăn tết theo lịch mặt trăng (lịch âm), thế nhưng, Tết Hồ Sự Chà của người Hà Nhì diễn ra sớm hơn và trước tết nguyên đán của người Kinh khoảng từ 1 – 2 tháng. Sau một vụ mùa bội thu, thóc gạo đầy nhà, những bông hoa dã quỳ nở vàng trên những triền đồi cũng là thời điểm người dân tộc Hà Nhì ở huyện Mường Tè rộn ràng chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Đây là ngày Tết truyền thống còn lưu giữ nhiều nghi lễ và nét văn hóa đẹp mang đậm bản sắc văn hóa của người Hà Nhì trên mảnh đất biên cương Tổ quốc.
Không chỉ được chọn vào ngày “thần thánh”, Tết truyền thống của người Hà Nhì cũng là dịp để những người con đi xa trở về nhà sum họp, báo hiếu ông bà, cha mẹ, tổ tiên và thăm hỏi người thân...Vì thế, để chuẩn bị đón Tết, công việc không thể thiếu là làm bánh trôi nước, giã bánh dày; mổ lợn cúng tổ tiên, thần linh... Mỗi công việc ấy lại kèm theo những nghi thức khá đặc biệt.Ông Lỳ Tiến Dũng – Trưởng bản Xi Nế (xã Mù Cả, huyện Mường Tè) cho biết, Tết của người Hà Nhì không được tổ chức cố định vào một ngày trong năm và cũng không được thống nhất về mặt thời gian, nhưng lại giống nhau ở cách chọn ngày tổ chức. Việc ăn Tết vào ngày nào, thường là do hội đồng già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm. Tuy nhiên, việc lựa chọn đều phải dựa trên các yếu tố như: Thời tiết, mùa màng, khả năng kinh tế chung của mỗi gia đình. Đặc biệt, Tết truyền thống tuyệt đối phải được chọn vào ngày thìn, bởi người Hà Nhì quan niệm, đó là ngày của “thần thánh”. Và trong tâm thức họ, Tết là lúc Thượng đế xuống kiểm tra công việc, cuộc sống mà con người đã làm được trong năm qua...
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Mù Cả đảm bảo cho người dân đón Tết cổ truyền vui vẻ và bình yên.
Với Tết Hồ Sự Chà, chỉ riêng việc mổ lợn đã là một câu chuyện dài. Theo phong tục của người Hà Nhì, lợn để ăn Tết chỉ được mổ trong ngày đầu tiên (ngày thìn) hoặc ngày thứ ba của Tết, tuyệt đối không được mổ vào ngày thứ hai (ngày Tỵ - kỵ với Hợi). Theo quan niệm, nếu mổ lợn vào ngày xung khắc, sau này gia chủ sẽ không thể nuôi lợn được nữa. Ngoài ra, trong ngày tết còn có những tiết mục văn nghệ độc đáo như múa xòe, múa nón để mô phỏng các động tác điển hình trong lao động, sản xuất và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày... Có lẽ từ những nét văn hóa độc đáo ấy cộng với sự thân thiện, hiếu khách vốn có của người Hà Nhì mà Tết Hồ Sự Chà được nhiều người biết đến và đã trở thành nét văn hóa đặc sắc ở khu vực miền núi Tây Bắc.
Xuân ấm trên bản
Đầu năm mới ở Mường Tè, khi hạt sương sớm còn phủ kín trên những mái nhà, lững lờ bên sườn núi, hay những bông hoa rừng vẫn còn nặng trĩu sương đêm thì đâu đó phía đầu bản đã có nhà bắc bếp thổi xôi, tiếng chày giã gạo khua vào nhau với những tiếng nhịp đều gần xa, bản làng bắt đầu rướn mình chuyển giấc. Lúc này, tại bản Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu) những em bé được bố mẹ dệt cho những bộ quần áo mới sặc sỡ sắc màu. Những cặp nam thanh nữ tú, trong những bộ trang phục đẹp nhất của mình tay giấu trong tay, cùng nhau say sưa nhảy múa…
Gắn bó nhiều năm ở mảnh đất biên cương tổ quốc, không ít lần được thưởng thức nét văn hóa đặc sắc trong dịp Tết cổ truyền của người Hà Nhì, Trung tá Phan Văn Hóa – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mù Cả cho biết, theo phong tục của người Hà Nhì, cũng như người Kinh, sự thiêng liêng trong các ngày Tết được người Hà Nhì rất xem trọng. Người Hà Nhì cũng đón Tết cổ truyền trong 3 ngày, trong những ngày này, các gia đình chuẩn bị lễ vật cúng mời tổ tiên về mừng năm mới và tổ chức vui chơi, thăm hỏi, chúc nhau những điều may mắn.
Bánh dày một trong những đặc sản không thể thiếu trong ngày Tết của người Hà Nhì.
Trước Tết một ngày, người Hà Nhì thường tổ chức dọn dẹp nhà cửa, giã bánh dày, đây là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân ở đây. Người Hà Nhì quan niệm, tổ tiên là đấng bề trên đáng kính, bánh dâng cúng phải to hơn bánh bình thường thì mới thể hiện tấm lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên. Vào ngày đầu tiên của Tết, trên ban thờ mâm cúng không thể thiếu bánh dày, bánh trôi, rượu, nước chè, thịt lợn...đặc biệt, người Hà Nhì vẫn giữ được phong tục truyền thống, vào sáng mùng một Tết, các con cháu nội, ngoại, sẽ tập trung đầy đủ để chúc tết ông bà, cha mẹ và cúi lạy bàn thờ tổ tiên. Khi các “thủ tục” đã xong, cả gia đình ngồi bên mâm cỗ để ông bà chia lộc và cầu chúc cho con trai mau lớn thành trụ cột, con gái nhanh trưởng thành để thêu thùa may vá…sau đó, tất cả cùng uống chung bát rượu nồng mừng xuân mới.
Trong những ngày tết, từ khắp các nóc nhà, khói bếp sẽ bay không ngừng, rượu tràn qua chiếu…Khi vào các bản làng chúc tết nhau, mỗi người đem theo một chum rượu nhà tự nấu để cùng nhau thưởng thức. Vào ngày thứ ba kết thúc Tết, các gia đình sẽ làm một mâm cỗ cúng trời đất đã ban tặng cho bản làng sức khỏe, lúa gạo và gia súc với những nghi lễ vô cùng độc đáo và linh thiêng…ngày Tết, người người nắm tay nhau thật chặt, thật ấm áp, cùng nhau uống những chum rượu ngô thơm lừng men lá xen lẫn những tiếng chúc mừng năm mới, chúc mừng sức khỏe…