Tương truyền Ngài rất thiêng, Ngài thiêng ở chỗ xung quanh toàn là đồi đất, mặc dù núi rừng Tây Bắc thường là núi đá cao, vực thẳm, vậy mà chỉ có một mình Ngài đứng đó, hàng ngàn đời nay, chẳng ai rõ Ngài có tự bao giờ. Ngài còn thiêng ở chỗ, nếu đến thắp hương khấn vái, mọi dằn vặt, bức bối trong tâm tư đều tan biến, có người kể rằng, khấn nguyện gì đều được Ngài giúp sức và đạt kết quả. Tuy nhiên, Ngài cũng có sự tích riêng mà ít người biết, được truyền miệng trong đồng bào dân tộc Hà Nhì tại đây từ đời này sang đời khác. Có hai hướng suy diễn kể về sự tích này, hướng thứ nhất cho rằng đây là hòn đá chồng, vì phải bảo vệ vợ con trốn trước, người chồng đến đúng đường biên giới thì trời đã sáng và bọn giặc đã đuổi đến nơi nên người chồng đã hóa đá tại đó, còn người vợ đã vượt qua biên giới; song nhiều người suy đoán theo hướng thứ hai đây là hòn đá vợ, vì do yếu đuối hơn nên còn ở bên đất ta. Vậy xin được kể lại sự tích “Hòn Đá Trắng” theo hướng thứ hai:
Ngày xửa, ngày xưa, từ thời khai thiên lập địa, thời đó cũng chưa có đường biên giới cụ thể giữa các nước như ngày nay, các bộ tộc, bộ lạc thường sống ở một vùng nhất định. Người Hà Nhì cũng sống ở một vùng như vậy, bao gồm phía Nam của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc và phía Tây Bắc của Việt Nam, chuyện xưa kể rằng, họ có một nước riêng gọi là “Nam Chiếu” do một thủ lĩnh đứng đầu. Trong thời kỳ đó, chiến tranh loạn lạc triền miên giữa các bộ tộc này với bộ tộc khác, người Hà Nhì cũng trong tình cảnh như vậy. Trong quá trình đấu tranh, một bộ phận người Hà Nhì đã rút về phía huyện Mường Tè, gồm các xã: Ca Lăng, Thu Lũm, Mù Cả… lập cứ địa, biên giới riêng, đường biên giới cũng tương tự như ngày nay. Bỗng giặc dã lại nổi lên, có một bộ tộc rất mạnh đã tràn tới xâm chiếm vùng đất của người Hà nhì, một thủ lĩnh đã đứng lên triệu tập nghĩa quân chống giặc. Tuy nhiên, thế giặc rất mạnh, chúng đuổi theo nghĩa quân và đặc biệt là thủ lĩnh cùng vợ và 2 con nhỏ, nhằm tiêu diệt người đứng đầu bộ lạc. Biết không thể chống đỡ nổi, người thủ lĩnh đã rắt vợ cùng 2 con chạy ngược lên vùng rừng sâu núi thẳm. Qua hàng tháng trời chạy giặc, vừa đói, vừa khát 2 vợ chồng cùng các con đã sức cùng lực kiệt mà kẻ địch vẫn đang đuổi sau lưng…Qua bản Pa Thắng một đoạn (bản Pa Thắng thuộc xã Thu Lũm, cách Hòn Đá Trắng chừng 2 cây số), 2 con nhỏ của vợ chồng thủ lĩnh không thể đi được nữa, biết không cứu được, vợ chồng thủ lĩnh để con dưới một gốc cây to rồi chạy tiếp. Mãi về sau này, dân bản còn phát hiện được 2 bức tượng bằng đá cạnh gốc cây mà vợ chồng thủ lĩnh để con ở lại, trông giống như hình 2 đứa trẻ, nhưng có một năm sấm chớp đầy trời, mưa to bão lớn, cái cây kia bị đổ và người ta cũng không thấy 2 bức tượng đó đâu nữa.
Lại kể về 2 vợ chồng thủ lĩnh bỏ con ở lại rồi chạy tiếp, thủ lĩnh đã chạy vượt qua biên giới mà không hay biết, người vợ phần vì thương con, vừa chạy vừa ngoái đầu nhìn lại, vừa đến đỉnh núi thì trời sáng, người vợ phát hiện ra đã đặt một chân lên biên giới, bà không chạy tiếp nữa; Đúng lúc đó thì bọn giặc đuổi đến nơi và người vợ đã biến thành cột đá, đứng ở đó cho đến ngày nay. Lại nói đến ông chồng, mãi đến tảng sáng ông mới phát hiện ra mình đã qua biên giới được trên chục cây số, ông ngồi than khóc vợ con, chắc giờ này không còn sống sót hoặc đã rơi vào tay giặc; Chợt ông nhìn sang ngọn núi bên đất mình thấy một tảng đá màu trắng tinh khôi giống như hình một người phụ nữ, biết vợ mình đã hóa đá, ông cũng đứng đó mà biến thành cột đá phu quân. Ngày nay, nghe đâu tảng đá phu quân nằm ở bản Mý Gớ, thuộc xã Bình Hà, Huyện Lục Xuân, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, cách đường biên giới với ta chừng 10 cây số đường chim bay, nhưng đi bộ thì phải gần 20 cây số. Những ngày đẹp trời, đứng ở cột đá bên này có thể nhìn rõ cột đá bên kia, phải chăng đó là ước nguyện của 2 vợ chồng thủ lĩnh, dù có xa cách nhau, nhưng mãi mãi vẫn nhìn thấy nhau…
Câu chuyện truyền thuyết về sự tích bi tráng, linh thiêng của “Hòn Đá Trắng” được người dân trong vùng, kể cả nhân dân huyện Lục Xuân, Vân Nam, Trung quốc tôn kính, thường đến dâng hương cầu khấn, nhất là các dịp lễ, tết của dân tộc Hà Nhì… Đây có thể là hiện tượng “Bái vật giáo” đã có từ xa xưa, mặc dù là tâm linh, dẫu vậy cũng phần nào giải tỏa tinh thần cho những người có những hoàn cảnh éo le, trắc trở. Nhưng cũng có người nói rằng, “Ngài” đứng đó, nơi đầu sóng ngọn gió, đại diện cho đồng bào các dân tộc huyện Mường Tè nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, trở thành cột mốc biên cương vĩnh cửu để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của non sông gấm vóc muôn đời đất Việt./.
Tác giả: Trịnh Tuấn Anh - Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Mường Tè