Là một trong những hộ gia đình đầu tiên ở xã Ka Lăng thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật, gia đình ông Trương Văn Tuyển đã gắn bó với nghề hơn 5 năm. Thời gian đầu, việc nuôi ong do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên hiệu quả của mô hình chưa cao. Không nản chí, vừa làm, vừa học, ngoài những kinh nghiệm tích lũy được, ông Tuyển tích cực học tập, nghiên cứu qua phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong do xã tổ chức để nâng cao kiến thức. Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng đúng kỹ thuật trong quá trình nuôi nên đàn ong của gia đình ông phát triển tốt đến nay, ông đã có trên 200 đàn ong lấy mật. Bình quân mỗi năm, gia đình thu hoạch hơn 600 lít mật với giá thành 200 - 250 nghìn đồng/1 lít. Ông Tuyển chia sẽ “Khi bắt tay vào phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, tôi đã tích cực tìm tòi, học hỏi, rút kinh nghiệm từ những người đi trước để áp dụng vào quá trình sản xuất. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến quá trình sinh trưởng của đàn ong; kỹ thuật tách đàn... Áp dụng hiệu quả cách thu hoạch mật bằng thùng quay ly tâm 6 cầu để tăng sản lượng mật, đảm bảo chất lượng của mật ong ". Hiện nay mật ong của gia đình ông Tuyển đã được công nhận sản phẩm mật ong đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Mô hình nuôi ong của gia đình ông Trương văn Tuyển bản Mé Gióng xã Ka Lăng
Thấy được hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật trong những năm gần đây xã Ka Lăng đã tận dụng những chương trình chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp đỡ nhân dân có nguồn vốn phát triển đàn ong. Như Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Đến nay trên địa bàn xã Ka Lăng đã có một số hộ có mô hình nuôi ong lấy mật ở các bản như Mé Gióng, bản Ka Lăng mang hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia mô hình nuôi ong. Ông Khoàng Xì Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng cho biết “ Trong những năm qua tận dụng điều kiện tự nhiên trên địa bàn xã, một số hộ đã thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật, qua đó bước đầu cho thấy hiệu quả về kinh tế. Từ những tín hiệu tích cực đó, UBND xã đã triển khai thực hiện NQ 07 của HĐND tỉnh về hỗ trợ cho các hộ dân tham gia mô hình nuôi ong lấy mật. Từ các chính sách của Nhà nước hiện nay trên địa bàn xã các mô hình nuôi ong lấy mật đã cho thấy hiệu quả, qua đó giúp bà con nhân dân phát triển kinh tế tăng thu nhập”.
Cán bộ xã kiểm tra mô hình nuôi ong bàn Ka Lăng
Với tiềm năng, lợi thế về khí hậu ôn hòa, điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú như diện tích rừng lớn cung cấp lượng phấn hoa và môi trường sống cho đàn ong phát triển. Trong thời gian tới, xã Ka Lăng tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân mở rộng quy mô, tăng đàn ong, hỗ trợ vốn, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Đồng thời, tạo mối liên kết với thị trường tiêu thụ để có đầu ra ổn định, giá thành cao. Qua đó, từng bước phát huy hiệu quả nghề nuôi ong lấy mật, tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tác giả: Vi Thành