Ít người biết rằng, ở nơi con sông Đà “nhập quốc tịch” Việt Nam, bên cạnh những người lính quân hàm xanh ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia luôn có một người bình dị sát cánh cùng bộ đội trong những chuyến tuần tra
Ngược lên đầu nguồn sông Đà
Trạm Biên phòng Pắc Ma (thuộc Đồn Biên phòng Mù Cả, BĐBP Lai Châu) nằm ngay đầu cầu Pắc Ma. Tới đây trong chuyến công tác, chúng tôi gặp một người đàn ông mảnh khảnh, nước da sạm nắng, nhưng rắn chắc. Anh là Lý Văn Khiêu, người dân tộc Thái, tại bản Pắc Ma, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Anh Khiêu là người có thâm niên gần 30 năm lái xuồng chở những người lính Biên phòng đi tuần tra dọc sông Đà. Anh nhìn tôi từ đầu tới chân, nói đùa: “Có say sóng không? Có dám đi không? Vất vả, nguy hiểm đấy!”.
Chúng tôi và hai đồng chí Chính trị viên của Đồn Mù Cả và Ka Lăng, cùng 6 chiến sĩ của Đồn Biên phòng Mù Cả xuống tới chân cầu. Anh Lý Văn Khiêu nhanh tay khởi động máy, chiếc xuồng chở chúng tôi lao vun vút hướng lên đầu nguồn sông Đà. Chưa bao giờ tôi ngồi trên xuồng lao như một mũi tên lại thấy hào hứng đến thế. Dòng sông Đà êm đềm chảy, bất giác tôi nhớ đến tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Đang miên man trong dòng suy tưởng, tôi được Thiếu tá Nông Văn Hơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ka Lăng “kéo” về thực tại bởi tiếng hô lớn: “Mọi người cẩn thận, chuẩn bị lên đầu nguồn”. Chiếc xuồng bắt đầu lắc bên này, đảo bên kia. Những con thác cao cả mét, trắng xóa, dựng đứng trước mũi xuồng. Tất cả chúng tôi đều nắm chặt mạn xuồng, khom lưng, chỉ mình anh Khiêu đứng cuối xuồng điều khiển tay lái, đu người bên này, rồi vươn tay bên kia, tập trung cao độ đưa chiếc xuồng vượt thác. Những con sóng tạo bọt trắng xóa muốn hất tung chiếc xuồng vào vách đá. Tám người trên xuồng đồng thanh hô to: “Cố lên, cố lên!”. Con thác đầu tiền chúng tôi đã vượt qua an toàn. Anh Khiêu nhìn tôi cười: “Thấy thế nào đồng chí, có thú vị không? Chưa nhằm nhò gì đâu. Tới gần sát đầu nguồn còn ghê rợn hơn nữa”. Mọi người đều cười thú vị, riêng tôi thì thấy lo.
Đầu nguồn sông Đà là nơi còn hoang sơ. Chiếc xuồng đi vào vùng nước ổn định. Càng lên đầu nguồn, dòng sông càng hẹp, những phiến đá to nằm ngổn ngang dọc hai bờ sông. Có điều rất lạ là những phiến đá đều xanh ngắt như màu trời. Ngước nhìn lên là những cánh rừng già, um tùm tán lá và những cây cổ thụ to người ôm không xuể. Càng gần tới đầu nguồn, dòng nước càng đỏ ngầu, hai bên thì rừng già hun hút làm cho ai cũng có cảm giác ớn lạnh. Đi một đoạn, thấy những chú kì đà dài cả mét, bò lổm ngổm trên những phiến đá xanh ngắt nhô ra giữa dòng, tôi hét lên: “Ôi, cá sấu, sao lại có cá sấu ở đây?”. Mọi người cười ồ, nói: “Không phải là cá sấu mà là kì đà”. Tôi tròn mắt vì chưa thấy con kì đà nào lại to đến thế.
Lặng lẽ cống hiến
Anh Lý Văn Khiêu đi bộ đội năm 1986, là lính của Tiểu đoàn 1, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu. Xuất ngũ, anh trở về địa phương. Bản Pắc Ma của anh lúc đó chưa có đường vào. Con người, hàng hóa muốn đến Pắc Ma đều phải chở bằng xuồng. Số tiền nhận được sau khi xuất ngũ, anh mua một chiếc máy nổ đầu 23 của Liên Xô (cũ), rồi tự đóng xuồng để chở anh em, họ hàng, chở thuê hàng hóa ra vào bản. Theo như lời anh kể, những năm 80 của thế kỷ trước, vùng đất này còn hoang sơ lắm, người đi lại rất ít, đi nhiều chỉ BĐBP và các cô giáo cắm bản ở Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả. Tới tận những năm 90 vẫn thế. Các chuyến tuần tra của anh em Đồn Biên phòng Mù Cả, Đồn Biên phòng Ka Lăng và anh em, cán bộ, chiến sĩ đi công tác khác, anh Khiêu đều nhiệt tình chở hết. Thật cảm phục, một con người rất đỗi bình dị, chở anh em bộ đội biết bao chuyến tuần tra lên tận đầu nguồn suốt 30 năm. Bất chợt tôi hỏi đùa: “Chở bộ đội như thế, anh em có gửi tiền anh không?”. Anh cười sảng khoái, nói: “Anh em Biên phòng tuyến này khổ, vất vả kể không xiết. Mình từng là lính, mình hiểu chứ. Đi tuần tra thì anh em đổ dầu vào máy, mình chở đi thôi, ai lại lấy tiền”.
Qua tìm hiểu, tôi được biết, Mốc 18(3), 17(1), 16(2) thuộc Đồn Biên phòng Mù Cả quản lý, cột mốc 34, 35, 36 thuộc Đồn Biên phòng Ka Lăng quản lý. Anh Khiêu đã giúp những người lính Biên phòng tuần tra đường sông, kiểm tra rừng đầu nguồn suốt 30 năm nay luôn được an toàn. Những luồng rạch, thác nước hung dữ luôn được anh tính toán thật cẩn thận, nhìn lượng nước dâng lên vào đợt mưa tối hôm trước để quyết định đi hay không. Vì chỉ một sơ suất nhỏ như đi không đúng luồng nước, xuồng có thể va vào đá mà mất an toàn. Hơn 30 năm qua, những chuyến tuần tra của hai đồn Biên phòng đều do một tay anh lái. Những người lính Biên phòng nơi đầu nguồn cũng chỉ tin tưởng tay lái của anh, một niềm tin sắt đá cho tới tận bây giờ.
Chiếc xuồng chở chúng tôi đã quay lại đầu cầu Pắc Ma. Chuyến kiểm tra bờ kè đập thủy điện đã an toàn. Chia tay anh, gửi lời chào sức khỏe tới anh, một con người bé nhỏ, giản dị đã lặng lẽ cống hiến cho bình yên của một dải biên cương nơi đầu nguồn sông Đà kì vĩ.
Tác giả: Kim Nhượng/bienphong.com.vn/07.12.2017